You dont have javascript enabled! Please enable it! Lãnh binh Tòng là ai? - Vé Cáp Treo Việt Nam
[tintuc]Lãnh binh Tòng là ai? Tác giả Nguyễn Đức Hiệp, trong sách Sài Gòn Chợ Lớn, nửa cuối thế kỷ XIX cho rằng: “Trận đánh thành Sài Gòn và đồn Kỳ Hoà là bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam và Nam bộ, mở đầu cho thời kỳ thực dân Pháp đánh chiếm, xâm lược và thực dân hoá đất Nam bộ…”.

Cuốn sách này do NXB Văn hoá Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh phát hành quý I.2018, là một tập hợp đáng tin cậy các tài liệu của cả hai phía: triều Nguyễn và các sĩ quan Pháp tham gia chiến trận, kể cả những bức ký hoạ rất sinh động.

Miếu thờ ông Cả thân sinh của Lãnh binh Tòng.

Cũng nhờ sách, người ta mới biết rằng khi ấy: “Máy ảnh đã có nhưng các sĩ quan Hải quân không được trang bị như các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp”. Các sĩ quan Pháp cộng tác với báo chí Pháp thường: “vẽ nhanh (thường bằng bút chì) ngay tại chỗ và sau đó gửi đến báo Lemonde Illustré. Từ những ký hoạ này, hoạ sĩ của báo vẽ lại thêm cho rõ nét và in lên báo…”.

Có lẽ cũng nhờ cách này mà dịp Tây Ninh kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển, Ban Tổ chức có triển lãm ảnh, trong đó có một bức tranh ký hoạ vẽ chợ Trảng Bàng. Đấy là hình ảnh đầu tiên của Tây Ninh trong mắt những kẻ viễn chinh Pháp.

Tại Tây Ninh, lực lượng Pháp đã gặp sự kháng cự của một đội quân dưới quyền chỉ huy của Lãnh binh Tòng. Nhưng thời điểm ấy đã là năm 1861, hai năm sau khi những phát đại bác (súng thần công) của các tàu chiến Pháp nã vào pháo đài Phước Thắng Biên Hoà, nay là di tích Bạch Dinh của TP. Vũng Tàu.

Tài liệu mà tác giả đã dẫn của hai phía (triều đình và quân Pháp) rất khớp nhau. Đó là: “Ngày 10.2.1859, quân Tây Dương bắn phá pháo đài Phước Thắng. Từ cửa Cần Giờ, hạm đội Pháp phải mất thêm 6 ngày nữa để đến cảng Sài Gòn vì các đồn dọc sông đã ngăn chặn đường tiến vào… Ngày 17.2, liên quân Pháp- Tây Ban Nha tiến vào cảng, đánh thành Sài Gòn lúc này đang được Hộ đốc Võ Duy Ninh trấn giữ. Chỉ trong một ngày, mà tất cả các pháo đài Sài Gòn đã tắt tiếng súng sau khi bị hạm đội bắn phá, thành Sài Gòn và các đồn luỹ bị chiếm bởi liên quân…”.

Lúc này, thành Sài Gòn có tới: “200 khẩu thần công bằng sắt và đồng, một chiến hạm, 7 tàu chiến một kho súng chứa 20.000 khẩu súng tay, hơn 100.000 kg thuốc súng… gạo có thể nuôi 8 ngàn người trong vòng 1 năm và một thùng chứa 130.000 franc và tiền địa phương. Người Pháp làm chủ đường hàng hải dài 25 dặm dọc sông, được bảo vệ bởi ba kè, 11 đồn, một thành và một thành phố thuộc hàng nhất” (Sđd).

Ngày 17.2.1859, đúng vào ngày 15 tháng Giêng (tết nguyên tiêu) năm Kỷ Mùi, đây cũng là lúc nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu từ Cầu Kho tản cư về quê vợ ở Cần Giuộc. Bài thơ Chạy giặc của ông đã mô tả chuyện thành Sài Gòn thất thủ, có đoạn: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây/ Hỏi trang dẹp loại rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này”.

Năm 1859, Tây Ninh còn là một phủ thuộc tỉnh thành Gia Định. Thế giặc quá mạnh, chỉ trong một ngày đã chiếm được thành Sài Gòn. Người dân tản cư lên vùng ngoại thành như vùng Bà Qụeo, Hóc Môn và không loại trừ tới cả Trảng Bàng, khi ấy còn là huyện Quang Hoá phủ Tây Ninh. Do vậy, sách hồi ký “Vạn Bửu tự thuật” tại tiểu mục 3- Chạy giặc có đoạn: “Năm 1858, lên 6 tuổi, đương chơi ngoài vườn, mẹ tôi ra dắc (dắt) tôi và em tôi, kéo đùa vào nhà cho biết rằng giặc Lang Sa đã kéo đến cầu Trưởng- Chừa rồi, sửa soạn tấn công chiếm chợ Trảng Bàng…Dân chúng rầm rộ kẻ gánh người bưng, kẻ cõng con người dắt mẹ, xe trâu xe bò, hơ hải chạy tấp nập đầy đường…”.

Trong đoạn văn trích trên, có hai sự nhầm lẫn. Một là của ông Vạn Bửu khi ông nhớ và viết là năm 1858. Tư liệu lịch sử cho thấy đó là năm 1859. Có lẽ do vừa qua năm mới được 15 ngày nên ông Vạn Bửu đã nhầm chăng? Cái nhầm thứ hai là chuyện loan tin của người dân. Bởi sau đó những người chạy giặc không thấy quân Lang Sa đâu. Vì: “Đến xế, có mấy người đi thám về cho hay rằng binh Lang Sa còn ở đâu chớ chưa tới đây” (Vạn Bửu tự thuật).

Tác giả sách “Sài Gòn chợ lớn…” có trích một bài báo của ông Lê Văn Phát viết về trận đánh thành Sài Gòn, có đoạn: “quân thắng trận không nghĩ tới một cuộc rượt đuổi bởi lý do gì mà người bản xứ không hiểu, quân đội Việt Nam rút lui chậm hơn ở phía sau. Khi đến Tân Sơn Nhất, cai tổng Lung đang cư ngụ ở làng này, đến gặp và tìm tổng trấn Tôn Thất Hiệp dừng ở đây, để tổ chức lại và tiếp tục phòng thủ…”.

Đây chính là nơi quân triều đình xây dựng đồn Chí Hoà. Đến tháng 10 năm Canh Thân (1860), Khâm sai Đại thần Nguyễn Tri Phương được cử vào Chỉ huy trú đóng tại đây, lập phòng tuyến đánh Pháp lấy lại Gia Định. Bởi: “tướng Nguyễn Tri Phương là tướng tài ba, không lực lượng nào, chướng ngại nào kháng cự lại được…”.

Nguyễn Tri Phương đã củng cố, xây dựng thêm phòng tuyến Chí Hoà ở phía Tây Bắc Sài Gòn. Từ ngày 23 đến 25.2.1861, liên quân Pháp- Tây Ban Nha do Đề đốc Charner dẫn đầu tiến đánh đại đồn Chí Hoà (còn gọi là đại đồn Kỳ Hoà). Em trai Nguyễn Tri Phương cũng là phó tướng của ông đã hy sinh, ông bị thương ở cổ tay, máu chảy ra lênh láng. Nhưng, vị chủ tướng can đảm ấy nói trước binh lính rằng: “Cái này không là gì hết, duy chỉ có cái chết mới mang ta ra khỏi đây thôi”. Tuy vậy, cuối cùng các quân sĩ đã không muốn mất ông, nên “dùng sức mạnh nắm giữ ông, khiêng ông lên võng và chạy thoát khỏi chiến trường…” (Sđd).

Chính là trong trận đánh này, Lãnh binh Tòng đã xuất hiện ở đại đồn, chi viện cho chủ tướng Nguyễn Tri Phương chống Pháp. Sách Địa chí Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 2006 có những mô tả chi tiết về Lãnh binh Tòng. Đấy là: “Năm 1861, ông đưa gần 300 quân đến chi viện cho Đại đồn Chí Hoà. Quân Pháp đã phục kích, đánh chặn từ xa.

Quân Lãnh binh Tòng phải vượt qua các chốt chặn Hóc Môn, Bà Điểm, Bà Quẹo, bị tiêu hao một số lớn, còn hơn phân nửa đến được đại đồn tham gia chiến đấu. Sau khi quân Pháp phá được đại đồn (25.2.1861), ông tập hợp số tàn quân của Nguyễn Tri Phương rút về Trảng Bàng… vũ khí thiếu nhiều, chỉ có 50 súng hoả mai không thuốc đạn…

Với tấm lòng vì nước quên mình, ông cùng nghĩa quân quyết tâm chống giặc bảo vệ quê hương… Quân Pháp tiến đánh Trảng Bàng… binh lực ít nên tuyến phòng thủ ngoại vi của ông chỉ chống giữ được trong một ngày là bị quân Pháp phá vỡ… Chiều hôm sau, đồn thất thủ… Ông cùng 30 binh sĩ rút về rừng Tha La ẩn tránh… cho binh lính rã ngã về quê, ông cùng 2 tuỳ tùng về ẩn tại làng An Hoà trong nhà một hương chức theo đạo Thiên Chúa…”.

Sau đó, có kẻ phản bội nên Lãnh binh Tòng bị lộ. Quân Pháp bao vây và bắt được ông tại An Hoà. Đưa về Sài Gòn, quân Pháp dụ dỗ ông, ban chức tước để ông tiếp tục cai quản Trảng Bàng. Nhưng người lãnh binh khẳng khái từ chối. Chúng kết án và đày ông đi biệt xứ tại Guyane thuộc Pháp. Ông mất tại đảo ngày nào còn chưa rõ.

Mô tả rất cụ thể và chi tiết như vậy, nhưng đến chương VII- Nhân vật lịch sử, sách Địa chí Tây Ninh lại không có nêu tên của Lãnh binh Tòng, dù có tên của Trương Quyền- người cùng thời với Lãnh binh Tòng và các anh hùng lực lượng vũ trang 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điều này có vẻ như chưa thoả đáng, vì Lãnh binh Tòng chính là một tên tuổi nổi bật nhất ở Tây Ninh thời kỳ đầu tiên quân dân Tây Ninh chống giặc ngoại xâm….

… còn tiếp

Tác giả: Trần Vũ

🤞 Không bỏ lỡ các bản tin quan trọng!

Chúng tôi không gửi thư rác! Đọc thêm trong Chính Sách Quyền Riêng Tư của chúng tôi

Chào bạn 👋
Thật vui khi bạn ghé thăm.

Hãy đăng ký để nhận nội dung cập nhật quan trọng mới nhất về điểm đến này.

Một mẫu thư, Một mẫu thông tin đáng giá! Chúng tôi không gửi thư rác. Đọc chính sách bảo mật của chúng tôi để biết thêm thông tin.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để mang đến cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.